Bạn có đam mê với thời trang và những câu chuyện đằng sau nó không? Nếu có, hãy dùng ACFC khám phá 7 item biểu tượng đã làm nên dấu ấn trong làng thời trang đương đại nhé.

Hiểu về thời trang, không thể thiếu việc khám phá lịch sử thời trang của những món đồ mang tính biểu tượng, được sáng tạo bởi những nhà thiết kế huyền thoại. Dù bạn là sinh viên thời trang, một chuyên gia đầy triển vọng, hay chỉ là một người yêu thời trang, bài viết này sẽ đưa bạn vào cuộc hành trình tìm hiểu về 7 trang phục mang tính biểu tượng đã thay đổi diện mạo của thế giới thời trang mãi mãi.

Chanel trở nên thịnh hành lúc bấy giờ và trở thành item của thời đại. Ảnh: Catawiki.

7 item thời trang huyền thoại

1. Little Black Dress

Chiếc đầm Little Black Dress (hay còn gọi là LBD) của Coco Chanel đã đạt được đỉnh cao khi ra mắt vào năm 1926. Xuất hiện hàng loạt trên các trang của tạp chí Vogue, chiếc đầm này nhanh chóng trở thành một trong những thiết kế được yêu thích nhất của Coco Chanel. Chính chiếc đầm nhỏ này đã góp phần tạo nên phong cách “flapper” phóng khoáng và nổi loạn của thập niên 1920, trở thành biểu tượng thời trang không thể thiếu trong tủ đồ của mọi phụ nữ.

Bức minh họa nổi tiếng về chiếc đầm 'Ford' của Chanel được tái hiện bởi nghệ sĩ Mainbocher. Ảnh: Vogue.

Mặc dù không phải người đầu tiên tạo ra Little Black Dress, Coco Chanel là người đã làm cho nó trở nên phổ biến và được khao khát bởi đông đảo các tín đồ thời trang. Thiết kế của bà mang tính cách mạng vì nhiều lý do.

Thứ nhất, trước thập kỷ 1920, những chiếc đầm đen thường chỉ dành cho những dịp tang lễ. Tuy nhiên, Coco Chanel và sau này là các nhà thiết kế khác, đã phá vỡ quy chuẩn này. Họ biến chiếc váy đen thành một trang phục đa năng, có thể diện trong nhiều dịp.

Thứ hai, thiết kế của Chanel vừa thực tế vừa thanh lịch. Với tập hợp các đường nét thẳng và mềm mại, chiếc váy này đối lập hoàn toàn với những bộ trang phục chật chội và rườm rà như corset chặt hay váy xòe của thời kỳ trước. Tạp chí Vogue đã gọi Little Black Dress là "Ford của Chanel", ám chỉ sự đơn giản và khả năng tiếp cận với phụ nữ thuộc mọi tầng lớp. Coco Chanel từng khẳng định:

Nhờ tôi, những họ (ám chỉ những người không thuộc tầng lớp thượng lưu) cũng có có thể đi lại như những triệu phú.

Một lý do khác khiến chiếc đầm đen của nhà thiết kế người Pháp thành công là nhờ vào thời điểm ra mắt. Chiếc váy được giới thiệu trong thời kỳ Đại Suy Thoái khi các thiết kế với tiêu chí đơn giản và giá cả phải chăng trở nên quan trọng. Nó cũng trở thành lựa chọn hoàn hảo trong suốt Thế Chiến II vì không cần quá nhiều vải để tạo nên. Đây là lựa chọn hoàn hảo trong thời kỳ việc tiết kiệm vải trở nên nghiêm ngặt.

Nếu là fan của bộ phim kinh điển "Breakfast at Tiffany's", có lẽ bạn không thể nào quên được hình ảnh của Audrey Hepburn trong chiếc đầm đen thanh lịch và tinh tế của Givenchy. Ảnh: Belcor Fashion.

Kể từ thiết kế của Coco Chanel, LBD đã được biết đến và nhanh chóng trở thành một trong những trang phục có ảnh hưởng nhất và truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế khác tạo ra những phiên bản riêng của họ.

Xem thêm: Đầm hạ eo (Drop waist dress) 2024: xu hướng thời trang cho phụ nữ yêu tự do

2. Trench Coat của Burberry

Khi Thomas Burberry thành lập nhãn hiệu của mình vào năm 1856, ông đã đam mê hoạt động ngoài trời và mong muốn bảo vệ người dân Anh khỏi thời tiết ẩm ướt. Chiếc áo trench coat đã trở thành biểu tượng hoàn hảo cho sứ mệnh này.

Trước khi chiếc trench coat thịnh hành ngày nay xuất hiện, Thomas Burberry đã tạo ra Gabardine - một chiếc áo mưa thoáng khí, nhẹ và chống thấm nước - vào năm 1879. Sản phẩm này nhanh chóng trở nên phổ biến. Trước đó, áo mưa thường được làm từ vải cotton cao su hóa, được gọi là “Macintosh,” rất nặng và gây khó chịu. Thomas Burberry đã giải phóng người mặc khỏi những chiếc áo nặng nề và không thoải mái bằng mang đến một lựa chọn tối ưu hơn.

Trench coat được ra đời vào Thế Chiến I và sớm trở nên thịnh hành vào Thế Chiến II. Ảnh: Chariot Journal.

Chiếc trench coat đầu tiên ra đời vào năm 1912 khi Thomas Burberry được hoàng gia Anh giao nhiệm vụ thiết kế đồng phục cho quân đội trong các cuộc chiến Boer và Thế Chiến I. Chiếc áo này ban đầu là một món đồ quân sự dành cho binh lính chiến hào (trench soldier), và cái tên “trench coat” bắt nguồn từ đó. Mẫu thiết kế đầu tiên mang tên Tielocken, một chiếc áo làm hoàn toàn từ gabardine, với các vòng kim loại hình chữ D để tiện trang bị các thiết bị quân sự và thêm bảo vệ ngực cùng cầu vai để sĩ quan hiển thị cấp bậc. Những yếu tố này khiến Trench Coat trở thành biểu tượng của địa vị. Thương hiệu Burberry cũng cung cấp áo cho quân đội Anh trong Thế Chiến II.

Trench Coat xuất hiện trên sàn diễn Ready-to-Wear Thu Đông 2024 của Christian Dior. Ảnh: Gorunway.com.

Sau Chiến Tranh Thế Giới thứ II, Trench Coat không còn là một món đồ quân sự độc quyền. Nó nhanh chóng trở thành một biểu tượng thể thao và thời trang, được nhiều người ưa chuộng nhờ sự thoải mái và tính thực dụng vượt trội.

Xem thêm: Lịch sử thời trang thế kỷ XX: Đổi mới và thú vị

3. Chiếc áo khoác Tweed - Item thời trang biểu tượng của Chanel

Bộ tweed suit Chanel đầu tiên, mà ngày nay chúng ta vẫn yêu mến gọi là "áo khoác tweed Chanel", được tạo ra bởi Gabrielle Coco Chanel vào năm 1925. Cũng như tất cả các thiết kế của mình, món đồ này được sinh ra với khát vọng giải phóng phụ nữ khỏi những quy chuẩn ăn mặc truyền thống và mang đến những trang phục thực tế nhưng vẫn đậm tính nữ. Thật vậy, nhà thiết kế người Pháp đã muốn tạo ra những bộ đồ khiến phụ nữ "cảm thấy thoải mái nhưng vẫn giữ được sự nữ tính của mình".

Coco Chanel diện một thiết kế của chính bà, tạo dáng trong một khu vườn trên phố Rue du Faubourg Saint-Honore ở Paris. Ảnh: Getty Images.

Vào giữa những năm 1920, khi sống ở Scotland và hẹn hò với Công tước Westminster, Coco Chanel thường mượn quần áo của ông vì chúng rất tiện lợi. Điều này đã tạo nguồn cảm hứng cho bà sử dụng vải tweed trong những thiết kế của mình. Đáng chú ý rằng loại vải này ban đầu chỉ dành cho trang phục nam giới. Tuy nhiên, sự thoải mái của nó đã thuyết phục Coco Chanel đưa nó vào thời trang nữ. Bà đã thử nghiệm và kết hợp tweed với lụa & len để tạo ra một chất liệu nhẹ nhàng hơn.

Chân dung bà Gabrielle Coco Chanel trong bộ tweed suit ở căn hộ của bà năm 1959. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, phải đến năm 1954, áo khoác tweed mới chính thức được trình diện trước thế giới, nhân dịp khai trương lại trụ sở của Nhà Chanel tại số 31 rue Cambon, Paris. Những bộ suit này có thiết kế được tạo ra bằng những nét thẳng và cấu trúc rõ ràng, với một đường may duy nhất ở giữa lưng, làm mờ đi ranh giới giữa các giới tính. Điều này trái ngược hoàn toàn với phong cách New Look của Dior với eo thắt chặt. Vì vậy, việc quảng bá sản phẩm này tới phụ nữ Pháp ban đầu gặp không ít khó khăn, nhưng người Mỹ lại rất ưa chuộng.

Ví dụ điển hình là cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jackie Kennedy đã mặc nó vào năm 1963, vào ngày Tổng thống bị ám sát. Không lâu sau đó, áo khoác tweed đã cách mạng hóa thời trang nữ và trở thành món đồ yêu thích của nhiều người.

Cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jackie Kennedy đã trưng dụng thiết kế này khi xuất hiện cùng chồng vào năm 1963. Ảnh: Getty Images.

Kể từ khi ra mắt vào năm 1925 và sau đó tái xuất một lần nữa vào đầu những năm 1950, áo khoác Chanel chưa bao giờ mất đi sự yêu mến của công chúng. Khi Karl Lagerfeld đảm nhận vị trí Head of the House của Chanel vào năm 1983, ông đã củng cố vị thế vốn đã mang tính biểu tượng của áo khoác Chanel. Trong suốt những năm qua, ông liên tục mang lại những chiếc áo khoác tweed cổ điển với những nét chấm phá hiện đại. Lagerfeld đã tạo nên chiếc áo từ những chất liệu mới như da, lurex, sequins, lông vũ, denim, cao su, và thậm chí là xi măng. Bạn sẽ còn thấy điều đó rất đặc trưng trong những thiết kế của thương hiệu Karl Lagerfeld.

Áo khoác Tweed xuất hiện trong BST Chanel Haute Couture Xuân 2017, khi Karl Lagerfeld vẫn còn đảm nhận vị trí giám đốc sáng tạo cảu nhà mốt.

Xem thêm: Lịch sử thời trang XXI (2000 đến nay): Có gì mới?

4. Tuxedo của Saint Laurent

Sự ra đời của bộ tuxedo được gắn liền với Yves Saint Laurent, người đã trình làng thiết kế này trong bộ sưu tập Thu-Đông năm 1966, một năm sau khi ông ra mắt thương hiệu mang tên mình.

Catherine Deneuve trình diễn bộ tuxedo Le Smoking mang tính cách mạng vào năm 1966, khi mà bộ tuxedo này lần đầu tiên được Yves Saint Laurent (Bên phải) trình làng trước công chúng. Ảnh: Alain Nogues/SYGMA/Getty Images.

Một sự thật thú vị về thiết kế này rằng “Le Smoking” được thiết kế với chủ ý để mặc trong phòng hút thuốc, nhằm bảo vệ quần áo khỏi mùi xì gà và ban đầu chỉ dành riêng cho nam giới.

Tuy nhiên, Le Smoking của Saint Laurent lại không phải là một bản sao chính xác của bộ tuxedo nam.

Xuất hiện lần đầu tiên trong BST Thu Đông của Yves Saint Laurent, item này đã trở thành trang phục mang tính biểu tượng nhất của nhà mốt: Tuxedo. Ảnh: Musée Yves Saint Laurent Paris. 

Ông đã sử dụng cùng các nguyên tắc thiết kế nhưng đã điều chỉnh chúng phù hợp với cơ thể phụ nữ, tạo ra bộ suit đầu tiên dành cho phái đẹp. “Một người phụ nữ mặc suit không hề làm mất đi tính nữ của nàng”, Saint Laurent chia sẻ. “Một đường cắt sắc nét, tinh tế sẽ tôn lên sự nữ tính, quyến rũ và vẻ bí ẩn của cô ấy”.

Mặc dù trong ngày nay, tuxedo là một trong những món đồ mang tính biểu tượng và trường tồn có thể được tìm thấy trong tủ đồ của hầu hết các tín đồ thời trang, nhưng ban đầu nó không được đón nhận nồng nhiệt.

Vì loại trang phục này ban đầu chỉ dành riêng cho nam giới, việc khuyến khích phụ nữ mặc nó là một bước đi táo bạo và bị xã hội thời đó chỉ trích nặng nề. Trên thực tế, đã từng có một điều luật của Pháp cấm phụ nữ mặc quần dài ở nơi công cộng, và thậm chí tại một số nhà hàng sang trọng trong thập niên 60, phụ nữ mặc suit bị từ chối phục vụ bởi nhân viên và quản lý. Đây là lý do tại sao việc phổ biến tuxedo cho phụ nữ lúc bấy giờ lại gặp nhiều khó khăn đến thế, đến mức theo như lời đồn đại rằng chỉ có một bộ được bán ra.

Của hàng Ready-to-wear của Yves Saint Laurent những năm 1960-1970. Ảnh: Musée Yves Saint Laurent Paris.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi vào tháng 9 năm 1966, khi nhà thiết kế mở cửa hàng thời trang “ready-to-wear”của mình ở khu vực Left Bank của Paris và ra mắt dòng sản phẩm Rive Gauche với giá cả phải chăng hơn, bao gồm phiên bản dễ tiếp cận hơn của Le Smoking. Nó ngay lập tức trở thành một quả bom lớn đối với giới trẻ lúc bấy giờ.

Thiết kế này giống như một biểu tượng của sự nổi loạn trong thời trang, thách thức các chuẩn mực giới tính và trở thành, theo lời của chính nhà sáng lập đã quá cố, “biểu tượng của người phụ nữ hiện đại”.

Đối với một người phụ nữ, tuxedo là một trang phục không thể thiếu. Thiết kế này sẽ giúp nàng luôn cảm thấy phong cách, vì đó là một trang phục thời trang và không phải là một mốt nhất thời. Mốt thì sẽ phai tàn, nhưng phong cách là vĩnh cửu.

Yves Saint Laurent

Thật vậy, đây chính là câu nói nổi tiếng, mà bạn có lẽ đã nghe ở đâu đó, đã được Yves Saint Laurent lặp lại nhiều lần khi chia sẻ về chính bộ tuxedo này.

Le Smoking đã trở thành một món đồ kinh điển và được đưa vào mọi bộ sưu tập cho đến năm 2002 khi Yves Saint Laurent tổ chức buổi trình diễn cuối cùng và nghỉ hưu. Nhưng nó không bao giờ biến mất hoàn toàn khỏi thế giới thời trang và đã trở lại dưới thời cựu giám đốc sáng tạo Hedi Slimane vào năm 2012.

Xem thêm: Bespoke: Thế giới tinh tế của sự cá nhân hóa

5. Chiếc Wrap Dress - Item thời trang biểu tượng của Diane Von Furstenberg

Đây là thiết kế dành cho người phụ nữ muốn trở thành chính mình.

Diane von Furstenberg

Wrap Dress, gắn liền với tên tuổi của Diane von Furstenberg, là một biểu tượng thực sự của sự nữ tính và thanh lịch. Mặc dù không phải là người phát minh ra nó (Elsa Schiaparelli đã tạo ra nó vào những năm 1930), Diane von Furstenberg đã biến trang phục này trở thành một món đồ không thể thiếu trong tủ đồ của phụ nữ.

Chiếc đầm mang tính biểu tượng trong sự dòng chảy thời trang của DVF. Ảnh: Roger Prigent.

Câu chuyện bắt đầu khi Diane von Furstenberg đến New York vào năm 1970 với một vali đầy những chiếc váy jersey mà bà đã làm tại nhà máy của người bạn, Angelo Ferretti, ở Ý. Được khuyến khích bởi cựu biên tập viên của Vogue, Diana Vreeland, Diane đã tạo ra chiếc Wrap Dress đầu tiên vào năm 1974, hai năm sau khi ra mắt thương hiệu mang tên mình, Diane von Furstenberg (DVF).

Item thời trang biểu tượng: Wrap Dress với phần cổ lấy cảm hứng từ những chiếc đầm được diện bởi những vũ công ba lê
Wrap Dress ban đầu được lấy cảm hứng từ những chiếc đầm được diện bởi những vũ công ba lê. Ảnh: Fairchild Archive//Getty Images.

Ban đầu, Diane thiết kế một chiếc váy sơ mi cotton jersey và một chiếc Wrap Dress giống như những chiếc đầm của các vũ công ba lê. Sau đó, bà kết hợp hai món đồ này thành một chiếc váy quấn quanh ngực.

Thiết kế này của Diane nhanh chóng trở thành một hiện tượng quốc tế, đưa tên tuổi của bà lên bản đồ thời trang. Phom dáng của Wrap Dress phù hợp với phụ nữ ở mọi lứa tuổi, dáng người và phong cách sống, khiến họ cảm thấy gợi cảm và mạnh mẽ. Chiếc váy này có thể được mặc trong mọi dịp, từ công việc, các công việc hàng ngày đến các bữa tiệc. Ngoài thiết kế tôn dáng, chất liệu jersey cũng nâng tầm sự hấp dẫn của chiếc váy. Chất vải này mang lại cảm giác thoải mái, không nhăn và giúp chiếc đầm toát lên vẻ giản dị mà vẫn có nét thanh lịch.

Item thời trang biểu tượng: Chiếc Wrap Dress của DVF xuất hiện trong tác phẩm kinh điển Taxi Driver (1976)
Chiếc Wrap Dress của DVF xuất hiện trong tác phẩm kinh điển Taxi Driver (1976). Ảnh: Mary Evans / Everett Collection.

Nữ diễn viên Cybill Shepherd đã diện chiếc Wrap Dress của DVF trong "Taxi Driver" vào năm 1976, và chiếc đầm này đã trở thành một hiện tượng trong những năm 70. Đến cuối những năm 1970, Diane đã bán được hơn một triệu chiếc!

Từ khi ra mắt, Wrap Dress đã được tái thiết kế trong vô số kích cỡ, màu sắc và họa tiết, không ngừng khẳng định vị thế của mình trong thế giới thời trang.

Xem thêm: FASHION 101: Đầm slip dress quyến rũ & nữ tính

6. Quần Jeans Calvin Klein

Calvin Klein là nhà mốt đầu tiên trong lịch sử trình diễn quần jeans trên sàn runway

Khi nhà thiết kế thời trang người Mỹ ra mắt thương hiệu của mình vào năm 1968, các bộ sưu tập đầu tiên của ông bao gồm áo khoác, những chiếc đầm, đồ thể thao, áo blazer, đồ lót và phụ kiện. Nhưng khi ông thêm quần jeans vào danh mục sản phẩm của mình vào năm 1976, thương hiệu Calvin Klein là một trở thành quả bom đưa tên tuổi thương hiệu lên một tầm cao mới.

Item thời trang biểu tượng: Calvin Klein đưa những chiếc quần jeans lên sàn diễn.
Calvin Klein gây nên tiếng vang lớn khi là là thương hiệu đầu tiên đưa những chiếc quần jeans lên sàn diễn. Ảnh: Vogue. 

Vào năm 1978, thương hiệu chính thức ra mắt dòng sản phẩm Calvin Klein Jeans. Và thành công đã đến nhanh chóng khi trong tuần đầu tiên trên thị trường, thương hiệu đã bán được 200,000 chiếc quần jeans!

Xem thêm: Quần jeans ống suông: Item không thể thiếu của nàng

Vào năm 1980, Brooke Shields, khi đó mới 15 tuổi, đã xuất hiện trong chiến dịch quảng cáo Calvin Klein Jeans, được chụp bởi nhiếp ảnh gia thời trang nổi tiếng Richard Avedon. Câu nói của cô, "Bạn có muốn biết điều gì nằm giữa tôi và những chiếc quần Calvin không? Không có gì cả", đã trở thành huyền thoại.

Item thời trang biểu tượng: Brooke Shields cùng chiến dịch huyền thoại của Calvin Klein với câu nói gây sốc đã trở thành tâm điểm lúc bấy giờ.
Brooke Shields cùng chiến dịch huyền thoại của Calvin Klein với câu nói gây sốc đã trở thành tâm điểm lúc bấy giờ. Ảnh: Calvin Klein.

Mặc dù chiến dịch này đã đưa độ nổi tiếng của Calvin Klein lên một tầm cao mới, nhưng nó cũng gây sốc và gây tranh cãi cho nhiều người vào thời điểm đó vì bị cho là quá gợi cảm.

Tuy nhiên, Calvin Klein luôn giữ vững triết lý của mình và tiếp tục làm mọi thứ theo cách riêng. Ông từng nói, "Quần jeans là biểu tượng của sự gợi cảm. Quần càng chặt thì càng bán chạy". Đây là một động thái sáng tạo và cần thiết để phá vỡ các quy chuẩn của ngành công nghiệp này và đẩy thời trang tiến lên phía trước.

Xem thêm: Xuân Hè 2024: Quần skinny jeans quay trở lại đường đua thời trang

7. Áo Polo

Áo polo là một trong những biểu tượng thời trang nổi tiếng nhất, gắn liền với hai thương hiệu Lacoste và Ralph Lauren. Dù không phải là người đầu tiên phát minh ra chiếc áo này (nguồn gốc của nó từ các cầu thủ polo Ấn Độ vào thế kỷ 19 và từ công ty Brook Brothers), nhưng chính Lacoste và Ralph Lauren đã biến nó thành một tượng đài thời trang.

Item thời trang biểu tượng: Đội Polo đến từ ấn độ lúc bấy giờ.
Polo thực chất bắt nguồn từ Ấn Độ, một đất nước châu Á chứ không ở phương Tây như nhiều người đã tưởng. Ảnh: Manly Manners.

Năm 1933, René Lacoste, một tay vợt tennis chuyên nghiệp, cùng với André Gillier, chủ một nhà sản xuất áo len hàng đầu Pháp, đã cùng nhau thành lập "La Chemise Lacoste" để bán những chiếc áo tennis dệt kim với biểu tượng cá sấu nổi tiếng. Đây là thương hiệu đầu tiên có logo xuất hiện trên bề mặt của trang phục.

Xem thêm: Phong cách Preppy: Xu hướng tinh tế vượt thời gian

Áo polo ngắn tay mới bằng vải bông "petit piqué" đã cách mạng hóa trang phục trên sân tennis, mang đến sự linh hoạt, nhẹ nhàng và thoáng khí, giúp người chơi di chuyển dễ dàng hơn so với những chiếc áo tennis truyền thống. Năm 1951, nhà sản xuất Mỹ Izod đạt được thỏa thuận để sản xuất và bán áo Lacoste tại Mỹ, và chúng nhanh chóng trở thành món đồ không thể thiếu trong cả thể thao và cuộc sống hàng ngày.

Item thời trang biểu tượng: Các mẫu mã đa dạng của polo thuộc Ralph Lauren năm 2001.
Các kiểu dáng đa dạng của áo polo đến từ nhà Ralph Lauren năm 2001. Ảnh: Corina Lecca/The New York Times.

Bốn thập kỷ sau, vào năm 1972, Ralph Lauren giới thiệu phiên bản áo polo của mình, làm từ chất liệu cotton tinh khiết, nhẹ nhàng và thoải mái. Áo polo của Ralph Lauren nhanh chóng trở thành một biểu tượng thời trang nam, là món đồ hàng ngày đa năng và mang phong cách Ivy League, preppy. Hiện nay, áo polo của Ralph Lauren có hơn 50 sắc thái màu khác nhau, chưa kể các phiên bản giới hạn và dịch vụ cá nhân hóa.

Lược dịch từ Glam Observer.