Hai lần mỗi năm, Haute Couture lại trở lại với kinh đô thời trang Paris và khiến nó nên rực rỡ hơn bao giờ hết. Đây là khoảnh khắc đỉnh cao, xa hoa và tuyệt diệu nhất của thế giới thời trang.
Haute Couture là gì?
Thuật ngữ “Haute Couture”, lần đầu tiên được định nghĩa vào năm 1945, được bảo vệ một cách hợp pháp. Chỉ những thương hiệu được phê duyệt bởi The Fédération de la Haute Couture et de la Mode (Liên đoàn Haute Couture & Fashion) mới có quyền sử dụng thuật ngữ này.
Haute couture, một cụm từ tỏa ra sự tinh tế đỉnh cao của thời trang, mang ý nghĩa sâu xa hơn nhiều so với bản dịch đơn giản là "may đo cao cấp" từ tiếng Pháp (với Haute có nghĩa là cao, và Couture là may đo). Haute Couture luôn để lại sự mãn nhãn cho người xem cùng khả năng đưa cảm xúc trở nên bùng nổ trước những tuyệt tác nghệ thuật khó tưởng.
Loại hình thời trang này tượng trưng cho tinh hoa của sự xa xỉ ở Pháp, nơi những bộ trang phục được chế tác thủ công một cách tỉ mỉ từ những loại vải hiếm và cao cấp, trở thành những tác phẩm nghệ thuật từ tư duy sáng tạo của những nhà thiết kế hàng đầu thế giới. Với sự chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhất bởi các nghệ nhân tài hoa, Haute couture là biểu tượng của tinh thần thời trang đỉnh cao.
Lịch sử và nguồn gốc
Mặc dù thuật ngữ này gắn liền với văn hóa Pháp, nhưng có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng một quý ông người Anh mới chính là người đã sáng lập ra khái niệm cũng như nhà may Haute Couture đầu tiên.
Charles Frederick Worth (1825–1895) được coi là nhà thiết kế thời trang đầu tiên theo chủ nghĩa hiện đại. Ông được mệnh danh là cha đẻ của ngành công nghiệp thời trang xa xỉ này. Vào năm 1858, ông thành lập Nhà May Worth. Đây là nhà may Haute Couture đầu tiên, tọa lạc tại số 7, phố de la Paix, Paris. Sự kiện này đánh dấu sự ra đời của ngành công nghiệp Haute Couture.
Kể từ đó, Pháp đã phát triển thành một cường quốc thời trang, với thủ đô Paris trở thành kinh đô thời trang toàn cầu. Thuật ngữ Haute Couture mang ý nghĩa pháp lý quan trọng ở Pháp, với những tiêu chí nghiêm ngặt được đặt ra từ năm 1945 mà bất kỳ bộ sưu tập nào mong muốn danh hiệu cao quý này đều phải đạt được.
Worth là người đầu tiên tổ chức các "salon shows" giới thiệu một bộ sưu tập duy nhất, nhằm mục đích thu hút khách hàng và bán bộ sưu tập. Ông cũng tiên phong trong việc mời khách hàng đến xưởng, cho phép họ chọn lựa và may đo trang phục theo ý thích. Ý tưởng tổ chức sự kiện thời trang hai lần một năm của ông cũng đã đặt nền móng cho các tuần lễ thời trang hiện đại.
Xem thêm: 4 xu hướng thời trang nổi bật tại sàn diễn Xuân Hè 2024
Charles Frederick Worth thực sự đã định hình và đặt nền móng cho cách vận hành và phát triển của thời trang hiện đại.
Những quy chuẩn nghiêm ngặt của Haute Couture
Là một thuật ngữ đặc biệt được bảo vệ bởi luật pháp, không phải nhà mốt nào cũng có thể tự nhận mình là thương hiệu Haute Couture. Cho đến năm 2023, chỉ có 14 nhà thiết kế được mang danh hiệu Haute Couture. Một số tên tuổi lớn trong ngành có thể kể đến Christian Dior, Chanel, Ellie Saab và Versace.
Để được công nhận danh xưng này, các nhà mốt phải đáp ứng các quy chuẩn nghiêm ngặt lâu đời được đưa ra bởi The Fédération de la Haute Couture et de la Mode. Vậy những quy chuẩn ấy là gì?
Thiết kế theo đơn đặt hàng cho khách hàng cá nhân, với một hoặc nhiều lần thử đồ
Haute Couture yêu cầu các thiết kế phải được may đo riêng biệt theo đơn đặt hàng của từng khách hàng, với nhiều lần thử trang phục cho đến khi đạt sự hoàn hảo.
Mỗi trang phục phải là một thiết kế độc bản được chính nhà thiết kế chính của hãng thực hiện và chắp bút, đảm bảo tính độc nhất vô nhị. Bên cạnh đó, việc đụng hàng là điều tuyệt đối cấm kỵ. Điều này thể hiện sự tôn trọng đối với tính độc quyền và sáng tạo cũng như sự tôn trọng với khách hàng.
Phải có xưởng may (atelier) đặt tại Paris và đạt các tiêu chí nhất định
Tuy nhiên, không phải cứ đặc biệt may đo riêng, tinh xảo và cầu kỳ thì là Haute Couture. Để đạt tiêu chuẩn, một thương hiệu phải có xưởng may (atelier) đặt tại Paris và đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt. Xưởng may này phải có ít nhất 15 nhân viên chính thức và 20 thợ kỹ thuật lành nghề. Điều này đảm bảo mỗi sản phẩm đều được chế tác tỉ mỉ và hoàn hảo theo đúng chuẩn mực cao cấp của ngành.
Bám sát lịch trình của tuần lễ thời trang Haute Couture tại Paris
Mỗi mùa, các nhà thiết kế phải ra mắt công chúng một bộ sưu tập ít nhất năm mươi thiết kế, bao gồm cả trang phục ban ngày và trang phục buổi tối, vào tháng Một và tháng Bảy hàng năm.
Tuy nhiên, năm nay do Olympics sẽ diễn ra tại Paris, lịch trình của tuần lễ thời trang Haute Couture đã được đẩy lên cuối tháng 6. Điều này hứa hẹn mang đến những màn trình diễn ấn tượng và sáng tạo.
Xem thêm: Bắt nhịp xu hướng thời trang Boho nửa cuối năm 2024
Quy trình tạo ra những bộ trang phục Haute Couture đẳng cấp
Những bộ trang phục Haute Couture được tạo nên hoàn toàn thủ công bởi những nghệ nhân tài hoa và khéo léo nhất trong ngành thời trang. Họ đo đạc tỉ mỉ, sáng tạo nên những mẫu thiết kế mới và tinh chỉnh sao cho vừa vặn và phù hợp hoàn hảo với từng khách hàng.
Những thiết kế couture luôn được đặt may riêng biệt, với kích thước chính xác theo số đo của từng khách hàng cụ thể. Khác với các trang phục may sẵn đại trà, chúng không được sản xuất hàng loạt và bày bán với kích cỡ tiêu chuẩn trong các cửa hàng của thương hiệu.
Xem thêm: High Fashion: Thế giới thời trang xa xỉ và đẳng cấp
Mỗi bộ trang phục Couture cần đến nhiều tháng để hoàn thành. Chẳng hạn, một chiếc áo khoác của Chanel có thể mất khoảng 986 giờ và hơn 225.000 chiếc sequin được thêu tỉ mỉ để tạo nên. Những thiết kế Couture khác cũng tốn không ít thời gian, như chiếc váy lông vũ trong bộ sưu tập Chanel Xuân Hè 2018 cần đến 750 giờ làm việc, hay chiếc váy "Miss Dior" của Dior năm 2021 tốn đến 800 giờ để hoàn thiện.
Haute Couture đại diện cho đỉnh cao của thời trang, nơi chất lượng là điều tuyệt đối. Và tất nhiên, điều này đi kèm với mức giá không hề nhỏ, đôi khi không cần quan tâm đến giá cả hay ngân sách. Một số trang phục couture có giá trị lên đến hơn 100.000 đô la.
--------
Mỗi bộ trang phục Haute Couture không chỉ là một sản phẩm thời trang mà còn là một tác phẩm nghệ thuật, mang trong mình câu chuyện và tâm huyết của những người làm nên nó. Đây chính là sự kết hợp hoàn hảo giữa sáng tạo và kỹ thuật, là đỉnh cao của thời trang, nơi mà vẻ đẹp và sự tinh tế được thể hiện một cách trọn vẹn nhất. Hãy cùng tôn vinh và trân trọng những giá trị mà chúng mang lại, để thấy rằng thời trang thực sự là một loại hình nghệ thuật đầy mê hoặc và sâu sắc.