Sống xanh đã và đang trở thành xu hướng trong những năm gần đây. Nếu bạn đang theo đuổi lối sống này nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy cùng khám phá ngay bài viết sau đây về cách tái chế quần áo và mỹ phẩm nhé!
Bạn có thể đã nghe qua khái niệm "3R" – giảm thiểu (Reduce), tái sử dụng (Reuse) và tái chế (Recycle) – nhưng để áp dụng chúng vào cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là thời trang và làm đẹp, mọi thứ có thể trở nên rất phức tạp. Quả thật, với sự đa dạng của các loại vật liệu, việc nhận biết những gì có thể tái chế có thể khiến chúng ta bối rối.
Khi nghĩ về tái chế, hẳn bạn thường nghĩ ngay đến giấy, chai nhựa hay lon nhôm. Nhưng còn những rác thải đến từ may mặc, liệu bạn đã biết cách tái chế chúng chưa?
Tại Việt Nam, có đến 60%-70% lượng rác thải sau khi thu gom sẽ được xử lý bằng cách chôn lấp ở những bãi không hợp vệ sinh, theo số liệu của World Bank vào năm 2018. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngành dệt may của Việt Nam phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Hãy coi đây là hướng dẫn giúp bạn hiểu rõ hơn về cách giảm thiểu rác thải, tái sử dụng bao bì và tái chế những chiếc áo len cũ không còn mặc được nữa. Đọc tiếp để khám phá những phương pháp đơn giản mà hiệu quả giúp bạn bảo vệ môi trường, từ việc xử lý quần áo cũ đến các sản phẩm làm đẹp một cách bền vững. Hãy cùng nhau tạo nên sự thay đổi tích cực từ những hành động nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày, góp phần làm cho trái đất của chúng ta trở nên xanh sạch hơn!
Xem thêm: Cách khâu giấu chỉ đẹp và đơn giản, nàng vụng về cũng làm được
Tìm hiểu qua các quy định tái chế: Bước đầu hướng tới môi trường xanh sạch
Điều đầu tiên bạn cần làm là kiểm tra các quy định tái chế địa phương để đảm bảo rằng bạn đang tuân thủ đúng luật. May mắn thay, chúng ta đang sống trong thời đại mà thông tin luôn sẵn có. Có rất nhiều nguồn tài liệu giúp bạn kiểm tra những vật liệu nào có thể tái chế, chẳng hạn như EARTH911, Recycle Guide, Grac: Đô thị không rác và How2Recycle.
Sau khi được thu gom, các vật liệu tái chế sẽ được vận chuyển đến Cơ sở Phục hồi Vật liệu (Marterials Recovery Facility hay MRF), nơi chúng được phân loại và chuẩn bị để chuyển đến các nhà sản xuất để tái sử dụng.
Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng MRF thường có các quy định nghiêm ngặt hơn và không chấp nhận nhiều sản phẩm làm đẹp. Một quy tắc đơn giản bạn có thể áp dụng là nếu bao bì của sản phẩm làm đẹp được làm từ ít nguyên vật liệu hơn thì sẽ có khả năng tái chế sẽ cao hơn.
Một số thương hiệu như Unilever hay Aveda cam kết sử dụng bao bì từ nguồn tài nguyên sau tiêu dùng (Post-Consumer Resource hay PCR), được làm phần lớn từ vật liệu tái chế. Bao bì đóng vai trò quan trọng trong việc tái chế quần áo và mỹ phẩm, vì vậy việc nghiên cứu và mua hàng từ các thương hiệu có những hoạt động bền vững như vậy sẽ giúp nỗ lực sống xanh của bạn trở nên dễ dàng hơn.
Các ứng dụng quản lý việc xử lý chất thải như Recycle Coach cũng rất hữu ích trong việc xác định liệu các vật dụng có thể tái chế được hay không.
Tái chế chất thải dệt may: Hành trình thay đổi tương lai của ngành công nghiệp tỷ đô
Các chương trình tái chế dệt may là quá trình thu hồi quần áo cũ và các sản phẩm thời trang để tái sử dụng hoặc phục hồi nguyên liệu. Điều này giúp giữ các vật phẩm này — thậm chí với cả những món có vết bẩn và rách — không bị vứt vào bãi rác.
TerraCycle, một trong những chương trình tái chế có tiếng, đã hợp tác với nhiều thương hiệu trong các chương trình như Nordstrom với BEAUTYCYCLE và Package Free để giảm thiểu rác thải.
BEAUTYCYCLE là một chương trình miễn phí về tái chế bao bì sản phẩm làm đẹp và chăm sóc da đã qua sử dụng tại Nordstrom. Điều tuyệt vời là họ chấp nhận bất kỳ thương hiệu nào, bất kể có được bán tại Nordstrom hay không.
Package Free cũng bày bán các hộp Zero Waste mà bạn có thể sử dụng để thu gom các loại chất thải phù hợp và gửi lại cho TerraCycle để tái chế. Điều tiện lợi là bạn không cần lo lắng về việc vận chuyển, vì mỗi hộp đều kèm theo nhãn đã được trả trước phí. Có nhiều loại hộp Zero Waste khác nhau để đáp ứng từng yêu cầu, giúp bạn dễ dàng phân loại và tổ chức các vật phẩm tái chế theo từng danh mục. Những điều này sẽ khiến việc tái chế trong cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Tái chế nội bộ: Cùng khám phá “nỗ lực xanh” của các thương hiệu
Hiện nay, nhiều thương hiệu đã bắt đầu cho thấy những nỗ lực hướng tới bền vững trong việc giảm thiểu rác thải bằng cách tái chế trong nội bộ. Nếu bạn gửi quần áo cũ và bao bì các sản phẩm làm đẹp đã qua sử dụng về lại cho các thương hiệu này, họ thường sẽ hợp tác với các chương trình như TerraCycle để xử lý và tái sử dụng nguyên liệu một cách hợp lý, tạo ra bao bì, kéo dài vòng đời vật dụng hay thậm chí tạo ra các sản phẩm mới. Những cái tên nổi bật có thể kể tới MANGO hay LEVI'S.
Bên cạnh đó, còn có những thương hiệu như W3LL PEOPLE không chỉ tạo ra các sản phẩm “xanh” và thân thiện với môi trường mà còn cam kết bảo vệ hành tinh. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Trái Đất, W3LL PEOPLE đã hợp tác với National Forest Foundation để trồng 10.000 cây xanh trong các Công viên Quốc gia tại Hoa Kỳ vào tháng Tư. Đây là một hành động ý nghĩa và đầy cảm hứng, thể hiện rõ ràng sứ mệnh của họ trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường.
Cũ người mới ta: Cho đi hoặc bán lại
Với những món đồ mà bạn không thể tái chế được, tặng hoặc bán lại những món đồ còn tốt sẽ là một cách hay. Bạn có thể tặng lại bất kỳ item quần áo sạch nào, ngoại trừ những món đã quá bẩn vì chúng có thể gây ra sự phát triển của vi khuẩn.
Để bắt đầu, bạn có thể để lại quần áo cho anh chị em hay bạn bè, hoặc quyên góp cho các cửa hàng từ thiện và tổ chức xã hội địa phương. Nếu muốn kiếm thêm thu nhập, bạn thậm chí có thể mang đồ đến các cửa hàng second hand hoặc bán lại chúng trực tuyến.
Với việc bán đi và tặng lại các sản phẩm làm đẹp, mỗi cửa hàng và tổ chức sẽ có những chính sách khác nhau. Một số nơi không chấp nhận các sản phẩm đã hết hạn hoặc đã mở nắp và sử dụng. Do đó, bạn nên kiểm tra chính sách trước khi cho đi bất cứ thứ gì.
Hãy góp phần giảm thiểu rác thải dệt may bằng cách áp dụng những mẹo tái chế quần áo và mỹ phẩm trong hướng dẫn này.
Nguồn: Seventeen | A Guide to Recycling Clothes and Beauty Products.