Khám phá lịch sử của denim với những câu chuyện thú vị trong hành trình từ tủ đồ của mọi nhà cho đến các sàn diễn thời trang quốc tế.

Denim, với sự bền bỉ và phong cách vượt thời gian, đã trở thành một biểu tượng không thể thiếu trong tủ quần áo. Những chiếc quần jeans quen thuộc đến mức chúng ta thường quên mất rằng chúng có một câu chuyện dài đầy thú vị. Trong một thế giới tràn ngập những chất liệu sáng tạo, denim vẫn giữ vững vị thế là một trong những loại vải đa dụng và được ưa chuộng nhất, vượt qua mọi ranh giới về giới tính, tuổi tác và địa vị. Thậm chí, nhiều người còn sở hữu số lượng quần jeans vượt quá số ngày trong tuần.

Ảnh: Style du Monde.

Một thoáng nhìn về quá khứ, nơi denim bắt đầu

Thật khó có thể tin rằng 200 năm trước, denim chỉ là loại vải được dùng trong trang phục lao động. Qua nhiều thập kỷ, denim không ngừng tái sinh, biến hóa thành nhiều phong cách và xu hướng khác nhau. Dù hiện nay, các chất liệu co giãn như legging và quần yoga đang lên ngôi hay những lo ngại về tác động môi trường từ sản xuất denim ngày càng lớn, nhưng vải denim vẫn tồn tại. Những phiên bản denim thông minh mới còn mang đến cho người mặc những tiện ích hiện đại như kết nối điện thoại thông minh. Vậy giờ đây, liệu có ai dừng lại để nhớ về cội nguồn của chất liệu này?

ACFC sẽ đưa bạn vào một hành trình xuyên thời gian, khám phá những dấu mốc quan trọng trong lịch sử của denim qua bài viết dưới đây.

Nguồn: Levi & Strauss Co., A Short History of Denim 

Xem thêm: Lịch sử thời trang thế kỷ 20 (1900 - 1990): Hành trình đổi mới đầy thú vị

Sự ra đời của vải denim

Denim sớm được phân loại là một loại vải dệt chéo, được tạo nên từ một sợi chỉ màu và một sợi chỉ trắng. Vào cuối thế kỷ 18, denim đã trở thành loại vải được ưa chuộng tại Hoa Kỳ bởi độ bền vượt trội. Một trong những tài liệu tham khảo đầu tiên về từ "denim" đề cập đến việc sản xuất loại vải này tại Mỹ xuất hiện vào năm 1789, trong một tờ báo của Rhode Island.

Lịch sử của denim
Denim trở thành 'iconic item' trong tủ đồ của mọi nhà. Ảnh: Pixabay.

Xem thêm: Áo khoác jeans oversized và bí quyết phối đồ đỉnh cao

Năm 1872: Nguồn gốc của Levi & Strauss Co

Câu chuyện khởi nguồn của Levi's, thương hiệu denim mang tính biểu tượng nhất, bắt đầu khá thú vị. Vào năm 1872, một thợ may tên Jacob Davis đã tìm đến Levi Strauss, một người bán hàng khô. Levi Strauss khi ấy đã sản xuất quần từ loại vải denim dày dặn trong nhiều năm. Do quần của ông được nhuộm màu chàm, chúng được biết đến với tên gọi quần denim. Thợ may Davis đã cải tiến độ bền chắc của trang phục denim lao động bằng cách thêm các đinh tán kim loại và ông muốn Levi tài trợ cho việc đăng ký bằng sáng chế. Họ trở thành đối tác và nhận được bằng sáng chế, đánh dấu sự ra đời của thương hiệu Levi & Strauss Co như chúng ta biết ngày nay. Phải đến sau thế kỷ 19, các đối thủ cạnh tranh trong thị trường denim mới bắt đầu xuất hiện: điển hình là Wrangler (1905) và Lee (1911).

Lịch sử của denim: Chân dung của Levi Strauss,
Levi Strauss, nhà đồng sáng lập đế chế denim Levi’s nổi tiếng. Ảnh: Wikimedia Commons - modaspot.

Xem thêm: 8 kiểu chân váy jean đáng mua nhất năm nay

Đầu thế kỷ 20: Denim - Biểu tượng của trang phục lao động

Vào đầu thế kỷ 20, denim đã được các thợ mỏ, cao bồi, nông dân và nhiều lao động khác ở miền Tây Hoa Kỳ lựa chọn như loại vải ưa chuộng cho trang phục lao động. Với sự thoải mái và độ bền vượt trội so với loại vải jean phổ biến thời bấy giờ, được làm từ cotton, linen và len, denim nhanh chóng khẳng định vị thế của mình. Sau khi Davis và Strauss được cấp bằng sáng chế cho quy trình thêm đinh tán kim loại để gia tăng độ bền cho quần, họ bắt đầu sản xuất những chiếc quần denim xanh. Item này nhanh chóng trở thành món đồ không thể thiếu trong tủ quần áo của những người lao động.

Lịch sử quần jeans: Quần jeans ban đầu là trang phục lao động cho đại chúng.
Quần jeans lúc bấy giờ được ưa chuộng để làm trang phục làm việc nhờ vào sự linh hoạt và độ bền của nó. Ảnh: Wikimedia Commons - Thư viện đại học Southern California. 

Xem thêm: Quần Jeans ống rộng: Chinh phục thời trang 2024

Năm 1940: Denim trong thời kỳ chiến tranh

Vào thập niên 1940, chiến binh Mỹ đã mang theo những chiếc quần denim yêu thích của mình khi ra chiến trường. Mặc dù quá trình sản xuất quần denim (hay còn gọi là ‘waist overalls’) vào thời điểm đó giảm sút do thiếu hụt trong nguồn nguyên liệu thô cần thiết, sự kết thúc của cuộc chiến đã đánh dấu một sự thay đổi trong cách nhìn nhận của đại chúng về loại vải này. Những chiếc quần denim không còn gắn liền với trang phục lao động nữa mà dần trở thành biểu tượng của các hoạt động giải trí, mở ra một chương mới trong hành trình của chúng.

Lịch sử của denim: quần jeans cũng được phụ nữ ưa chuộng trong môi trường lao động.
Những người phụ nữ vào năm 1942 sử dụng quần jeans trong trang phục đi làm của họ. Ảnh: Alfred T. Palmer/Wikimedia Commons.

Lịch sử của denim năm 1950: Khi denim trở thành hiện tượng thời trang

Năm 1950 đánh dấu một bước ngoặt trong thời trang khi denim, với những tông màu tối và chất liệu bền bỉ, trở thành biểu tượng thời thượng khi nhắc tới những chiếc quần đầy phong cách. Năm 1954, sự xuất hiện của khóa kéo trên quần denim đã mang lại một làn gió mới, làm say lòng những tâm hồn trẻ tuổi, khiến họ tự tin diện denim không chỉ trong công việc. Denim dần được gọi bằng cái tên “jeans” – một cái tên mới toát lên vẻ phóng khoáng và năng động. Các ngôi sao màn bạc như Marilyn Monroe đã dẫn dắt cuộc cách mạng thời trang này, biến denim trở thành biểu tượng của một kỷ nguyên mới, đầy quyến rũ và cá tính.

Nữ diễn viên Doris Day cũng mặc quần jeans trong hình ảnh quảng bá lấy cảm hứng từ miền viễn Tây của Warner Brothers. Ảnh: Getty Images.

Xem thêm: Lịch sử thời trang thế kỷ 20: Đổi mới và thú vị

Lịch sử của denim năm 1950: Khi sự phổ biến dấy lên những lo ngại lúc bấy giờ

Vào những năm 1950, quần jeans denim không chỉ là biểu tượng thời trang mà còn trở thành ‘iconic item’ của những chàng trai mô tô và những kẻ nổi loạn trẻ tuổi trên màn ảnh. Hình ảnh những chiếc quần jeans ống đứng, mang trong mình tinh thần nổi loạn như James Dean, đã dẫn đến việc nhiều trường học trên khắp nước Mỹ ban hành lệnh ‘cấm denim’. Tuy nhiên, dường như không gì có thể kìm hãm sự mê hoặc của chiếc quần jeans, khi một bài báo lúc bấy giờ từng cho biết: “Khoảng 90% thanh thiếu niên Mỹ mặc jeans ở khắp mọi nơi, ngoại trừ lúc đi nhà thờ”.

James Dean, tài tử góp phần đưa chiếc quần jeans trở thành hiện tượng thời trang lúc bấy giờ. Ảnh: In-house publicity still [Public domain]/ Wikimedia Commons

Lịch sử của denim năm 1960: Cuộc cách mạng Hippie với denim

Từ thập niên 1950, quần jeans đã trở thành biểu tượng của tuổi trẻ, sự nổi loạn và cá tính độc đáo. Tân sinh viên lúc bấy giờ khi bước vào đại học đều mặc quần jeans và hòa vào dòng chảy của phong trào hippie đầy sôi động trong thập niên 1960. Sinh viên mặc jeans không chỉ trong những cuộc biểu tình đầy nhiệt huyết, mà còn khi hòa mình vào không khí sôi động của các sàn disco, từ đó biến quần jeans thành biểu tượng cho lối sống phóng khoáng và tự do. Khi phụ nữ bắt đầu chọn trang phục thể hiện sự giải phóng trong đời sống và tình dục, quần jeans dành cho phái nữ cũng được thiết kế ôm sát hơn ở eo, hông và mở rộng ở phần gấu quần.

Jeans nói riêng và denim nói chung trong phong trào Hippies những năm 1960. Ảnh: Wikimedia Commons - Cục Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ.

Xem thêm: Phong cách thời trang Scandi: sang trọng và vượt thời gian

Lịch sử của denim năm 1970: Denim và văn hóa Mỹ

Thập niên 1970 chứng kiến sự bùng nổ nhu cầu của những quần jeans denim ống loe và ống chuông trên khắp nước Mỹ, châu Âu và lan tỏa đến cả những khu vực khác. Ban đầu, phong cách này chỉ gắn với phong trào hippie, nhưng dần dà, những thanh niên "bình thường" cũng nồng nhiệt đón nhận trào lưu denim. Quần jeans nhanh chóng trở thành biểu tượng không thể thiếu của người trẻ thời thượng, len lỏi vào mọi khía cạnh của cuộc sống.

Những chiếc quần jeans tự chế cũng lên ngôi, khi người ta bắt đầu thỏa sức sáng tạo bằng việc thêm hạt cườm, kim sa, sơn vẽ hay thêu thùa, biến mỗi chiếc quần thành một tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị.

Năm 1974: ABBA đã cho thấy quần jeans thực sự là trang phục lý tưởng khi ra sân bay với những tiết chắp vá và đường thêu làm mới những chiếc denim cổ điển. Ảnh: Getty Images

Xem thêm: Áo khoác jeans: Cách phối đồ nâng tầm phong cách

Lịch sử của denim năm 1980: Khi quần jeans được các nhà mốt lăng xê 

Thập niên 1980, denim không chỉ dừng lại ở một chất liệu mà đã trở thành một biểu tượng len lỏi vào những xu hướng đầy màu sắc như punk, grunge và rock. Những kiểu xử lý denim mới lạ, như acid wash, tạo nên một cơn sốt, cùng với sự xuất hiện của chân váy mini bằng denim và quần jeans rách.

Quần jeans lần đầu được đem lên sàn diễn thời trang bởi Calvin Klein. Ảnh: Vogue.

Nhưng đỉnh cao thực sự của denim trong thập niên này chính là khoảnh khắc nó được các nhà thiết kế và thương hiệu xa xỉ đưa vào bộ sưu tập của mình. Calvin Klein và Armani lần đầu tiên giới thiệu quần jeans trên sàn diễn và bộ sưu tập của mình, mở ra kỷ nguyên mới cho denim cao cấp. Cũng không thể không nhắc đến Adriano Goldschmied, “cha đỡ đầu của Denim”, người đã góp phần tạo nên cơn sốt quần skinny bó sát trong thập niên 80 – với sự ra đời của chất liệu denim với khả năng co giãn linh hoạt (Stretch denim). Một số mẫu quần skinny thậm chí còn được thiết kế chật đến mức phải nằm xuống mới kéo khóa được.

Nguồn: NYTimes.

Xem thêm: Xuân Hè 2024: Quần skinny jeans quay trở lại đường đua thời trang

Lịch sử của denim năm 1990: Hip-hop denim

Thập niên 1990 đánh dấu một kỷ nguyên mới cho denim, khi mà phong cách denim-on-denim, những chiếc quần baggy jeans và yếm denim thống trị làng thời trang. Các nhóm nhạc pop đình đám như TLC, Spice Girls và Destiny's Child đã góp phần đưa những xu hướng này lên đỉnh cao, làm cho giới trẻ thời đó không thể cưỡng lại việc khoác lên mình những bộ cánh như thần tượng của họ.

LeToya Luckett, ca sĩ R&B người Mĩ, thu hút cùng bộ outfit từ Tommy Hilfiger. Ảnh: FIT.

Thập niên này cũng là thời kì hoàng kim của quần Bootcut, với dáng ôm nhẹ nhàng và ống loe tinh tế, mang đến một sự lựa chọn hoàn hảo cho tủ đồ hàng ngày. Và không thể không nhắc đến quần JNCO ống rộng, với phần chân loe rộng đặc trưng từ eo trở xuống. Chiếc áo khoác denim quá khổ, kết hợp tinh tế với quần jeans denim khác màu, trở thành điểm nhấn phong cách không thể thiếu của nhiều ngôi sao trong thập niên này.

Xem thêm: Lịch sử thời trang thế kỷ 21 (2000s đến nay)

Lịch sử của denim năm 2000: DIY denim

Bước vào những năm 2000, denim không chỉ là chất liệu mà còn là tấm canvas để người mặc tự do phác họa phong cách riêng. Những chiếc quần jeans với vết rách tinh tế, những đường thêu nghệ thuật, sequin lấp lánh, hay những chi tiết ghim phá cách đã tạo nên một trào lưu DIY đầy mới mẻ. Quần jeans cạp cao lui dần vào quá khứ, nhường chỗ cho sự lên ngôi của những thiết kế skinny jeans với phần cạp cực thấp tôn vinh lên vóc dáng một cách táo bạo. Denim cùng các màu sắc khác cũng trở thành biểu tượng của phong cách thời thượng, được các ngôi sao như Nicole Richie và Paris Hilton lăng xê nhiệt tình. Hilton đã đưa denim đến thời kỳ hoàng kim, cùng những cái tên đã ghi dấu ấn trong lòng giới mộ điệu như Franky B, Von Dutch, và Victoria Beckham.

Chiếc quần jeans cạp thấp độc đáo của Paris Hilton đi đầu xu hướng bấy giờ. Ảnh: Ron Galella, Ltd./WireImage.

Từ năm 2010 đến nay: Xu hướng ngược về quá khứ

Hiện tại là thời kỳ hồi sinh mạnh mẽ của mọi phong cách và sắc thái denim mà ta có thể mường tượng - và còn hơn thế nữa. Trong khi nhiều người vẫn còn lưu luyến với những chiếc quần skinny jeans ôm sát, thì quần jeans cạp cao, quần ống loe và quần jeans ống đứng đã có sự trở lại đầy mạnh mẽ. Các kiểu dáng denim được phái đẹp ưa chuộng bao gồm quần mom jeans và boyfriend jeans, trong khi phái mạnh cũng không nằm ngoài xu hướng, với sự lên ngôi của các kiểu slim fit và skinny jeans. Những năm gần đây cũng chào đón sự quay trở lại của vải denim thô, vải denim selvedge cũng như các loại denim sáng màu mới, được tạo ra bằng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường.

Mango ra mắt bộ sưu tập ‘Recycled & Recyclable Denim’ thúc đẩy tính tuần hoàn hiện thực hóa mục tiêu bền vững mới.

Hầu hết các thương hiệu thời trang đại chúng đều sở hữu những bộ sưu tập denim riêng, nhưng những tên tuổi như Levi's, Wrangler và Lee vẫn giữ nguyên cho mình vị thế không thể thay thế. Denim cao cấp vẫn tỏa sáng tại những kinh đô thời trang như Los Angeles, nơi quy tụ những thương hiệu danh tiếng như Paige, Citiens of Humanity, J Brand và AG Jenads.

Lược dịch: Fashion United.