Thời trang có một lịch sử phong phú và lâu đời. Bắt đầu từ thời cổ đại, thời trang đã tồn tại những phát minh quan trọng và chúng không ngừng phát triển cho đến ngày nay. Và lịch sử thời trang thế kỷ 20 cũng đã chứng kiến những thay đổi mà đến bây giờ vẫn có sức ảnh hưởng lớn đến những người yêu thời trang hiện nay.

Thế kỷ 20 đã chứng kiến sự thay đổi kỳ diệu nhất của thời trang qua các thập kỷ. Đây là giai đoạn các nhà thiết kế vĩ đại nhất thế giới và những thương hiệu thời trang danh tiếng ra đời, tạo ra vô số thiết kế mang tính biểu tượng và khơi nguồn cho những xu hướng thường được các nhà sử học và chuyên gia thời trang nhắc đến.

Mỗi thời kỳ trôi qua đều đáng để được nghiên cứu đối với bất kỳ ai đam mê thời trang. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng ta sẽ du hành qua lịch sử thời trang từ những năm 1900 cho đến 1990. Chúng tôi sẽ điểm qua những phong cách nổi bật của mỗi thập kỷ, cách chúng ra đời, và những phong trào văn hóa cùng các nhà thiết kế đã khiến chúng trở nên phổ biến.

Thể kỷ XX là một trong những thế kỷ cho thấy sự biến động đặc sắc nhất trong lịch sử thời trang. Ảnh: thevintagedancer.com.

Hy vọng rằng bài viết này sẽ mang đến cho bạn một cái nhìn tổng quan về những cột mốc quan trọng trong lịch sử thời trang và những kiến thức cơ bản cần biết cho bất kỳ ai muốn bước chân vào lĩnh vực này. Không chần chừ thêm nữa, hãy cùng khám phá hành trình đầy mê hoặc của thời trang qua từng giai đoạn thời gian.

Lịch sử thời trang thế kỷ 20 qua các thập kỷ

1900s

Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20 mang đến xu hướng thời trang nổi bật với dáng hình chữ S quyến rũ. Phụ nữ thời này thường tạo dáng với ngực được đẩy về phía trước và hông hướng ra sau, tạo nên một dáng hình đặc trưng và quyến rũ. Tuy nhiên, càng về sau, phong cách này dần được thay thế khi những đường nét tự nhiên của cơ thể người phụ nữ dần được ưa chuộng hơn.

Lịch sử thời trang: Những chiếc đầm thường ngày của phụ nữ những năm 1900.
Những chiếc đầm thường ngày của phụ nữ những năm 1900. Ảnh: Antique Photo Parlour.

Trang phục ban ngày lúc bấy giờ thường rất kín đáo để che phủ cơ thể từ cổ đến chân và có phần tay áo dài. Váy dạ hội buổi tối thường được thiết kế gợi cảm hơn với đường viền cổ rất thấp và phần tay áo ngắn. Những bộ cánh này thường được kết hợp với găng tay dài, tạo nên vẻ đẹp thanh lịch và cuốn hút.

Lịch sử thời trang: đầm dạ tiệc những năm 1900
Đầm dạ tiệc của các quý cô những năm 1900. Ảnh: The MET.

Đầu thế kỷ 20, thể thao bắt đầu có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến thời trang. Các môn thể thao phổ biến lúc bấy giờ như golf, tennis, đạp xe và lái xe đã tạo cảm hứng cho những phong cách trang phục riêng biệt lúc bấy giờ.

Xem thêm: Váy tennis: Chinh phục tennis-core cùng Zendaya

1910s

Thập kỷ thứ hai của thế kỷ 20 đánh dấu sự thay đổi khi những chiếc áo nịt và silhouttes chữ S trở nên tự nhiên và thoải mái hơn. Các nhà thiết kế nổi tiếng như Paul Poiret, Lucile (Lady Duff Gordon), Georges Doeuillet và Jacques Doucet đã cách mạng hóa thời trang bằng cách tạo ra những bộ trang phục “ít sự dồn ép” và tôn vinh nhiều hơn các đường cong tự nhiên của phụ nữ. Vì thế, những chiếc Empire Dress  (chiếc đầm chiêt ngực), từng phổ biến vào đầu thế kỷ 19, đã quay trở lại và trở thành xu hướng thời trang thịnh hành thời đó.

Một sự kiện quan trọng vào đầu thập kỷ này chính là sự trỗi dậy của phong trào "Orientalism" (Chủ nghĩa phương Đông) thông qua sự xuất hiện của đoàn Ballets Russes. Khi đoàn ba lê này biểu diễn vở "Schéhérazade" (dựa trên "Nghìn lẻ một đêm") tại Paris vào năm 1910, họ đã tạo ra một làn sóng ảnh hưởng mạnh mẽ. Lấy cảm hứng từ phong trào này, Paul Poiret đã cho ra mắt quần "harem" và Fancy Dress vào năm 1911. Cùng năm đó, ông cũng tạo ra chiếc váy "hobble skirt" nổi tiếng. Nhưng do khó khăn khi di chuyển, chiếc váy này nhanh chóng mất đi sự ưa chuộng.

Lịch sử thời trang: Váy Hobble được phụ nữ những năm 1910 ưa chuộng.
Chân dung chiếc chân váy Hobble được phụ nữ những năm 1910 ưa chuộng. (Ảnh: Wikipedia)

Sự bùng nổ của Thế Chiến I càng đẩy mạnh nhu cầu về tính thực tiễn trong thời trang. Phụ nữ làm việc trong các nhà máy sản xuất đạn dược để hỗ trợ cho chiến tranh, vì vậy họ bắt đầu mặc những trang phục tiện dụng và thoải mái hơn.

Trong bối cảnh chiến tranh, sự thay đổi này trong thời trang đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, khi mà vẻ đẹp và tính thực tiễn hòa quyện với nhau, tạo nên một thập kỷ đầy cảm hứng và những sự đổi mới.

Chiếc đầm Empire xuất hiện trong bộ phim đình đám ‘Bridgerton’, với bối cảnh giới thượng lưu Anh vào thế kỷ 19. Ảnh: Netflix.

1920s

Những năm 1920 thường được nhớ đến như là thời kỳ của sự hào nhoáng, nhạc jazz, và những vẻ đẹp lộng lẫy. Tuy nhiên, thời kỳ này cũng đánh dấu sự đơn giản và tính thực tiễn trong thời trang. Sau khi Thế Chiến I kết thúc, phụ nữ thời này mong muốn những trang phục tối giản và thoải mái hơn, không còn những chiếc áo nịt ngực, tùng váy, đầm phồng hay các trang phục đặc trưng của thời kỳ Victoria.

Xu hướng thời trang mới này là "phong cách Flapper", còn được biết đến với tên gọi "la garçonne". Chiếc đầm Flapper có những đặc điểm như eo thấp, chiều dài ngang gối và thiết kế đơn giản. Thiết kế này đã khai thác một khái niệm mới về vẻ đẹp nữ tính, được phổ biến bởi nhà thiết kế Coco Chanel.

Lịch sử thời trang: Đầm Flapper trở nên thịnh hành trong những năm 1920.
Louise Brooks trong chiếc đầm Flapper xâm chiếm thời trang những năm 1920. Ảnh: John Springer Collection/Getty Images.

Xem thêm: Đầm hạ eo (Drop waist dress) 2024: xu hướng thời trang cho phụ nữ yêu tự do

Một xu hướng khác nổi bật trong những năm 1920 là chiếc váy nữ tính lãng mạn của Jeanne Lanvin - chiếc "Robe de style".

Lịch sử thời trang: Chiếc Robe de style của Jeanne Lanvin.
Chiếc Robe de style của Jeanne Lanvin. Ảnh: Vintage Dancer.

Trang phục thể thao cũng trở nên phổ biến hơn đối với phụ nữ trong thập kỷ này. Elsa Schiaparelli, Coco Chanel và Jean Patou được coi là những nhà thiết kế chính đã cách mạng hóa trang phục thể thao nữ.

Lịch sử thời trang: Thời trang thể thao cũng trở nên phổ biến hơn với phụ nữ thời kỳ này. Ảnh: Shorpy.
Thời trang thể thao cũng trở nên phổ biến hơn với phụ nữ thời kỳ này. Ảnh: Shorpy.

Phong cách thời trang của những năm 1920 đã góp phần vào sự "cá nhân hóa" trong thời trang. Bất kỳ người phụ nữ nào cũng có thể đạt được vẻ ngoài thời thượng. Với những bộ trang phục đơn giản, được làm từ các chất liệu ít đắt tiền hơn và dễ mặc, nhiều phụ nữ có thể mặc đẹp cho mọi dịp.

1930s

Thời trang nữ thời kỳ này có một sự chuyển đổi mới, đậm tính nữ hơn so với thập kỷ trước. Một trong những xu hướng nổi bật nhất có thể kể đến là ‘bias cut’ (kỹ thuật cắt chép vải), một phương pháp cho phép vải ôm sát theo từng đường nét mềm mại của cơ thể.

Lịch sử thời trang: Chiếc đầm được làm ra với kỹ thuật cắt chép vải đã gây tiếng vang lớn lúc bấy giờ.
Chiếc đầm được làm ra với kỹ thuật cắt chép vải đã gây tiếng vang lớn lúc bấy giờ. Ảnh: William Vanderson/Fox Photos/Getty Images.

Điện ảnh của những năm 30, đặc biệt là Hollywood, đã có ảnh hưởng lớn đến thời trang. Những ngôi sao điện ảnh như Greta Garbo, Marlene Dietrich và Bette Davis trở thành những biểu tượng thời trang đầu tiên của Hollywood, với phong cách và thần thái làm say đắm lòng người.

Xem thêm: Xuống phố sành điệu hơn với chân váy lụa

1940s

Thế Chiến Thứ II bùng nổ dẫn đến sự thiếu hụt vật liệu và việc phân phối khẩu phần, thời trang trở nên thực dụng hơn với những bộ đồng phục cho nam và nữ binh trong chiến tranh, cùng với trang phục tiện dụng cho các công dân khác. Một phong cách phổ biến vào thời điểm này bao gồm chi tiết độn vai, thắt eo và độ dài ngang gối của những chiếc đầm.

Lịch sử thời trang: Những chiếc đầm vào những năm 1940 thường có độ dài ngang gối. Ảnh: Tumblr@40’s, 50’s, 60’s.
Những chiếc đầm vào những năm 1940 thường có độ dài ngang gối. Ảnh: Tumblr@40’s, 50’s, 60’s.

Một trong những thiết kế đáng chú ý dưới thời kỳ hạn chế này là sự ra đời của bikini vào năm 1946 dưới bàn tay của Jacques Heim (Bikini từng được gọi là “Atome”, ám chỉ rằng bikini nhỏ như một nguyên tử) và Louis Reard (Ông lấy cảm hứng từ một đảo san hô ở Quần đảo Marshall mà Hoa Kỳ đã chọn làm mục tiêu cho bom nguyên tử). “Atome” và “Bikini” được cả hai nhà thiết kế coi là những ẩn dụ cho sự bùng nổ, và đó cũng chính là hiệu ứng mà bikini mang lại cho thời trang và xã hội những năm 40.

Vào những năm 1940, Bikini ra đời. Ảnh: AFP / Getty Images.

Xem thêm: 4 xu hướng áo tắm dự đoán sẽ “làm mưa làm gió” trong mùa Hè 2024

Sau chiến tranh, Christian Dior đã giới thiệu tác phẩm "New Look" mang tính biểu tượng vào năm 1947, một thiết kế đột phá với eo thắt chặt và chân váy xòe lớn. Thế giới thời trang chưa từng thấy những thiết kế tinh xảo như vậy. Thiết kế sử dụng một lượng lớn vải để tạo nên vẻ ngoài lộng lẫy và thanh lịch nhằm tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ. Điều này thật không tưởng trong thời kỳ trước chiến tranh khi mọi thứ đều bị hạn chế. Nhưng Dior muốn ăn mừng cuộc sống hòa bình vào hậu chiến và tôn vinh vẻ đẹp, tính nữ của phụ nữ đồng thời mang niềm vui và sự xa hoa trở lại.

'Bar look', tác phẩm gây nên tiếng vang lớn, thuộc bộ suu tập đầu tay 'New look' của Christian Dior. Ảnh: Vogue.

1950s

Sau những năm tháng khắc nghiệt của chiến tranh với sự thiếu thốn và các bộ trang phục đơn điệu, những người phụ nữ bắt đầu khao khát được trưng diện thật thanh lịch và thời trang. Thập niên 50 nổi bật với những thiết kế nữ tính, duyên dáng, với vòng eo thắt chặt và những chiếc váy xòe bồng bềnh. 

'Sack Dress' lừng danh của Balenciaga. Ảnh: Rex Features

Tượng đài "New Look" của Christian Dior vẫn tiếp tục  làm say đắm biết bao trái tim yêu thời trang. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ xuất hiện những kiểu dáng mới mẻ và phá cách. Một ví dụ điển hình là chiếc váy "Sack dress" của Cristobal Balenciaga ra đời năm 1957. Thiết kế này là một quả bom trong giới thời trang lúc bấy giờ khi với sự táo bạo và khác biệt hoàn toàn với trước giờ. Nếu Dior gây chú ý cùng vẻ duyên dáng với chi tiết chiết eo và váy xòe, thì Balenciaga lại hướng tới những đường nét tối giản với vai rộng và dáng hộp của chiếc váy "Sack dress". Thay vì dựa vào áo nịt và lớp váy lót để tạo độ phồng như Dior, Balenciaga sử dụng kỹ thuật xử lý vải tinh tế để đạt được hiệu quả ấn tượng. Kết quả là chiếc váy của Balenciaga nhẹ nhàng với trọng lượng chỉ 2.2 pounds, trong khi trang phục của Dior có thể nặng tới hơn 9 pounds.

Xem thêm: Bespoke: Thế giới tinh tế của sự cá nhân hóa

Bộ suit đến từ nhà mốt Chanel vào những năm 1950. Ảnh: the MET.

Bên cạnh đó, Coco Chanel cũng trở lại sàn diễn thời trang vào năm 1954, mang theo những thiết kế đơn giản và thanh lịch đặc trưng của bà. Với áo khoác dáng hộp và chân váy thẳng, Chanel đã tái khẳng định phong cách ‘Slim look’ của bản thân, khác biệt hoàn toàn với vẻ nữ tính đầy đặn của Dior.

Những năm 50 không chỉ là thập kỷ của những bộ trang phục tuyệt đẹp mà còn là giai đoạn đầy biến đổi và đa dạng trong lịch sử thời trang. Từ sự lãng mạn của Dior, sự hiện đại của Balenciaga đến sự thanh lịch của Chanel, mỗi nhà thiết kế đã mang đến những góc nhìn riêng biệt, tạo nên một bức tranh thời trang phong phú và đầy màu sắc.

1960s

Trong những năm đầu của thập niên 60, thời trang thời kỳ này vẫn duy trì tinh thần của những năm 50. Đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy nổi bật như một biểu tượng phong cách với gu thẩm mỹ tinh tế. Cùng lúc đó, Hubert de Givenchy và Cristobal Balenciaga là hai cái tên lớn trong việc tôn vinh vẻ đẹp nữ tính qua các thiết kế thanh lịch.

Đến giữa thập kỷ này, "Swinging Sixties" trở thành một hiện tượng văn hóa đặc biệt, mang đến sự bùng nổ về âm nhạc, thời trang và phong cách sống của giới trẻ. Mary Quant, André Courrèges, Pierre Cardin và Paco Rabanne là những nhà thiết kế nổi bật khi họ hiểu rõ mong muốn của phụ nữ thời đại. Họ đã sáng tạo ra những trang phục mang đến cảm giác tự do, táo bạo và vui tươi, nhưng vẫn đảm bảo tính thực dụng. Những thiết kế của họ thường thách thức các chuẩn mực giới tính truyền thống. 

Một trong những phát minh mang tính cách mạng đầu tiên của thời kỳ này xin gọi tên những chiếc váy ngắn - ‘Miniskirt’, được sáng tạo với tư duy đi trước thời đại của Mary Quant và André Courrèges.

Twiggy trong chiếc Miniskirt. Ảnh: Getty Images.
Twiggy trong chiếc Miniskirt. Ảnh: Getty Images.

Mary Quant đã góp phần vào phong trào giải phóng phụ nữ bằng việc cho ra mắt những thiết kế quần tây và quần ngắn nóng bỏng (hotpants), trong khi Yves Saint Laurent tạo nên sự đột phá với bộ tuxedo đầu tiên dành cho phụ nữ. Sự phổ biến của thời trang phi giới tính lúc bấy giờ cũng có một ảnh hưởng mạnh mẽ lên giới người mẫu, tiêu biểu là Twiggy, người mẫu nổi tiếng nhất thời bấy giờ.

Những chất liệu mới và sáng tạo như acrylic, polyester, PVC (polyvinyl chloride), vinyl, lycra và kim loại bắt đầu xuất hiện trong ngành thời trang. Đặc biệt, bảng màu trầm lặng của các thập kỷ trước dần được thay bằng những màu sắc tươi sáng và vui nhộn.

Chiếc đầm Paco Rabanne. Ảnh: Grazia

Đây cũng là thời kỳ của phong cách ‘Futuristic’ (Tương lai), khi các nhà thiết kế lấy cảm hứng từ du hành vũ trụ và công nghệ. Sự ảnh hưởng này thể hiện rõ ràng trong các thiết kế như “Moon boots” của Courrèges và bộ sưu tập "12 unwearable dresses collection" (12 chiếc váy không thể mặc) năm 1966 của Rabanne.

Xem thêm: Khi đầm suông Micro-Minis Mod quay trở lại

Pierre Cardin cũng nổi bật với sự kết hợp giữa Pop Art và Op Art, thử nghiệm với các họa tiết, hình học và màu sắc, ông đã tạo ra những tác phẩm đáng chú ý như “đầm hộp trứng” trong bộ sưu tập “Cosmocorps” năm 1968 và “đầm bong bóng”.

Courrèges, với niềm đam mê khám phá hình học, đã thiết kế những trang phục cắt theo các hình dạng như vuông, tam giác và hình thang, tất cả đều là những sáng tạo đầy tài tình, thách thức khái niệm truyền thống về tính nữ sau những năm 50, thời kỳ mà vóc dáng đồng hồ cát được coi là chuẩn mực.

Chiếc đầm lấy cảm hứng từ hộp trứng của Pierre Cardin. Ảnh: Vogue.

Cuối những năm 60, thời trang bắt đầu chuyển hướng sang phong cách hippie, như một sự phản kháng lại thời trang thịnh hành. Dù phong cách hippie thường được liên kết với thập niên 70, nhưng thực tế, nó đã bắt đầu xuất hiện từ cuối những năm 60, đánh dấu một giai đoạn đầy màu sắc và biến động trong lịch sử thời trang.

1970s

Thập niên 70 là một bức tranh đa sắc màu về thời trang, nơi sự đa dạng và sáng tạo lên ngôi. Phong cách hippie trở nên cực kỳ phổ biến, đặc biệt với những chiếc đầm Prairie được các nhà mốt cao cấp đưa vào bộ sưu tập của mình. Những xu hướng như váy patchwork, đồ đan móc, thêu thùa và các chất liệu tổng hợp đã làm nên danh tiếng cho thập kỷ này, khiến nó được mệnh danh là "thập kỷ polyester".

Đầm Prairie được các nhà mốt cao cấp ưu ái đưa vào BST. Ảnh: Handout.

Khi những năm tháng hippie qua đi, sự nổi bật của phong cách disco lộng lẫy bắt đầu lên ngôi, với Halston là nhà thiết kế dẫn đầu xu hướng. Những bộ trang phục lấp lánh, quyến rũ trở thành biểu tượng của "thời đại disco," làm say lòng những tín đồ thời trang.

Trong những năm đầu đến giữa thập niên 70, các nhà thiết kế đã đón nhận và đáp lại phong trào giải phóng phụ nữ qua các bộ sưu tập của mình. Năm 1971, Yves Saint Laurent cho ra mắt bộ sưu tập “Libération,” lấy cảm hứng từ những năm 1940, mang đến cảm giác tươi mới và mạnh mẽ. Cùng thời điểm, Diane Von Furstenberg ra mắt chiếc “Wrap dress” mang tính biểu tượng, vượt qua ranh giới của thời gian và trở thành món đồ không thể thiếu trong tủ đồ của tín đồ thời trang.

Chiếc đầm Wrap Dress trứ danh của nhà mốt Diane von Furstenberg. Ảnh: Roger Prigent.

Thời trang thể thao cũng quay trở lại trong tủ đồ của phái đẹp, giống như những thập kỷ đầu của thế kỷ 20. Norma Kamali đã mang lại làn gió mới với chiếc áo khoác “Sleeping bag coat” biểu tượng, cùng với những bộ trang phục thể thao thoải mái và bộ sưu tập “Parachute” nổi bật với những chiếc đầm và jumpsuit.

Norma Kamali trong chiếc khoác Sleeping Bag độc đáo và phá cách. Ảnh: Financial Times.

1980s

Thập niên 80 là một giai đoạn bùng nổ về văn hóa, mở ra sân chơi tự do cho để thể hiện màu sắc của mỗi cá nhân. Ở thời đại này, mọi người không còn ngần ngại bộc lộ con người thật của mình, và điều đó được phản ánh rực rỡ qua phong cách thời trang của họ. Thời trang thập niên này tràn ngập sự xa hoa, những gam màu táo bạo, và phụ kiện là thứ không thể thiếu. Quần áo với tông màu neon và jumpsuit trở thành xu hướng nổi bật, được các nhà thiết kế hàng đầu như Christian Lacroix, Jean-Paul Gaultier, Versace và Karl Lagerfeld cho Chanel đưa vào các bộ sưu tập của họ, phản ánh một cách sống động xu hướng thời trang độc đáo của thời đại.

Xem thêm: Haute Couture: Khi thời trang trở thành nghệ thuật

Phong cách ‘Sporty’ ngày càng phát triển, được khắc họa sống động qua các bộ phim biểu tượng như “Dirty Dancing” và “Flashback.” Điều này đã truyền cảm hứng cho những chiếc áo sweatshirt trễ vai, quần short thể thao, spandex, leggings, tất ống chân và băng đô, trở thành biểu tượng thời trang không thể thiếu của thập niên 80.

Thập niên 80 khỏe khoắn và tươi vui cùng phong cách sporty đầy màu sắc. Ảnh: Glam Observer.

Âm nhạc cũng có ảnh hưởng lớn đến thời trang thời điểm đó: nhạc pop với kiểu tóc bồng bềnh, trang điểm lấp lánh và trang sức rực rỡ; phong cách punk với trang phục kẻ caro, Doc Martens, da và chi tiết lưới.

Kinh điển nhất có thể thấy qua bộ sưu tập “Pirate” năm 1981 của Vivienne Westwood với phong cách “New Romantics” mềm mại; và Hip Hop với những chiếc quần ống rộng, giày thể thao và phong cách đường phố đầy năng động.

Cùng lúc đó, ngày càng nhiều phụ nữ bước vào lực lượng lao động và đảm nhận các vị trí cấp cao, dẫn đến sự thay đổi trong tủ đồ của phái đẹp. Những chiếc áo khoác vai độn (như trong các bộ suit của Emanuel Ungaro và Thierry Mugler), phụ kiện nổi bật và giày cao gót trở thành biểu tượng của quyền lực. Công nương Diana, Nancy Reagan và Margaret Thatcher đều là những người tiên phong trong việc làm xu hướng "power suits" trở nên phổ biến.

Ngược lại, các nhà thiết kế Mỹ như Perry Ellis và Ralph Lauren lại hướng đến một phong cách cổ điển, giản dị hơn với “preppy look”. Phong cách này chịu ảnh hưởng từ trang phục truyền thống của các trường Ivy League và Seven Sisters, cùng với phong cách quý tộc Anh đầu thế kỷ 20.

Phong cách Preppy đình đám Thu Đông 2024 cũng được thịnh hành vào những năm 1980. Ảnh: The VOU.

Cuối cùng, một làn sóng thời trang mới đầy táo bạo đến từ Nhật Bản đã mang lại sự khác biệt hoàn toàn so với phong cách phương Tây. Các nhà thiết kế như Rei Kawakubo của Comme des Garçons và Yohji Yamamoto đã tiên phong sử dụng kỹ thuật ‘deconstruction’ (phá bỏ kết cấu), phóng đại các tỉ lệ và tôn vinh màu đen như một gam màu chủ đạo, mở ra một kỷ nguyên mới trong thời trang đầy sáng tạo và khác biệt.

Xem thêm: Phong cách Preppy: Xu hướng tinh tế vượt thời gian

Lịch sử thời trang những năm 1990

Đầu thập niên 90, làng mốt chứng kiến sự thăng hoa của kỷ nguyên Siêu mẫu, khi những tên tuổi như Linda Evangelista, Cindy Crawford, Naomi Campbell và Christy Turlington - được mệnh danh là “những siêu mẫu nguyên bản” - trở thành biểu tượng thời trang. Họ không chỉ thống trị sàn diễn mà còn là nguồn cảm hứng cho cả một thế hệ yêu thích thời trang.

Phong cách thể thao từ thập niên 80 vẫn tiếp tục lan tỏa và chiếm lĩnh thời trang đầu những năm 90, với những item như quần biker shorts, leggings, giày Keds và áo sweatshirt oversized trở thành những món đồ không thể thiếu trong tủ đồ của các cô gái trẻ.

Sau đó, thời trang dần chuyển mình sang phong cách tối giản. Đầm slip dress thanh thoát và quyến rũ nhanh chóng trở thành một biểu tượng của thời đại. Kỷ nguyên của các siêu mẫu dần lùi vào hậu trường, nhường chỗ cho phong cách “Heroin Chic” với những gương mặt người mẫu có dáng vẻ gầy gò, với đại diện tiêu biểu là Kate Moss.

Chiếc đầm Slip Dress nhanh chóng trở thành biểu tượng thời trang của những năm 90 khi chiếm trọn các sàn diễn và tủ đồ của các nàng thời thượng. Ảnh: Conde Nast Archive.

Xem thêm: FASHION 101: Đầm slip dress quyến rũ & nữ tính

Thập niên 90 nổi bật với ba văn hóa chính: Phong cách Grunge được khởi xướng bởi Marc Jacobs và Alexander McQueen, với những chiếc quần jeans rộng thùng thình, áo flannel, giày Doc Martens cùng những đôi bốt chunky. Phong cách Preppy với áo sơ mi oversized, quần jeans cạp cao và váy ngắn kẻ caro. Cuối cùng là Punk với áo khoác da đen, quần jeans rách và vòng cổ choker. Ngoài ra, các cô gái còn ưa chuộng các trào lưu như, họa tiết xoắn, họa tiết da báo, scrunchies, bandana, crop top và tie-dye, tạo nên một bản hòa tấu thời trang đầy sắc màu và đa dạng.

Cảnh phim kinh điển từ Clueless đã truyền cảm hứng cho vô số tín đồ đam mê thời trang. Ảnh: Who What Wear UK.

Âm nhạc và điện ảnh trong thập niên này cũng có ảnh hưởng lớn đến xu hướng thời trang. Các ngôi sao như Destiny’s Child, The Spice Girls, và những bộ phim như Clueless, The Fresh Prince of Bel-Air, hay Britney Spears với phong cách nổi bật đã định hình và lan tỏa những xu hướng mới mẻ, góp phần làm nên bức tranh thời trang phong phú của thập niên 90.

LeToya Luckett, ca sĩ R&B người Mĩ, thu hút cùng bộ outfit từ Tommy Hilfiger. Ảnh: FIT.

--------

Lịch sử thời trang thế kỷ 20 là một giai đoạn đầy màu sắc và biến động. Từ những bộ trang phục công phu của thập niên 1920 đến phong cách tối giản và phá cách của thập niên 1990, mỗi thập kỷ đã mang đến những xu hướng và ảnh hưởng độc đáo, góp phần định hình gu thẩm mỹ của chúng ta ngày nay.

Thời trang không chỉ phản ánh những biến đổi xã hội, văn hóa và kinh tế mà còn thể hiện tinh thần sáng tạo không ngừng của con người. Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta thấy rõ ràng rằng thời trang luôn là một tấm gương soi, phản ánh những khát vọng, thay đổi và sự tiến bộ của nhân loại. Và dù ở bất kỳ thời điểm nào, thời trang luôn là sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật và cuộc sống.

(Lược dịch: Glam Observer).