Vải cashmere xa xỉ xuất hiện từ trước Công nguyên. Tương truyền, những chiếc khăn làm từ vải cashmere trở thành trang phục không thể thiếu của các vị hoàng đế lúc bấy giờ.

Cashmere được những tín đồ thời trang xem như "chất liệu dành cho Hoàng đế" bởi giá thành đắt đỏ và sự bền đẹp của nó. Chất liệu cashmere đã được coi là biểu tượng của địa vị xã hội và sự sang trọng trên toàn thế giới. Chúng là một trong những mặt hàng nhập khẩu phổ biến vào châu Âu từ thế kỷ 18, được hoàng gia và người giàu có hết mực ưa chuộng.

Ảnh: omcashmeres.

Vậy len cashmere được sản xuất như thế nào?

Cái tên "cashmere" bắt nguồn từ tên của giống dê cashmere có nguồn gốc từ vùng núi Kashmir ở phía bắc tiểu lục địa Ấn Độ. Lông của loại dê này rất dài, mịn, mượt, giúp chúng chống lại thời tiết lạnh giá và khắc nghiệt. Có rất nhiều yếu tố góp phần vào giá thành đắt đỏ của len cashmere, một trong số đó chính là lượng len cần thiết cho các sản phẩm cashmere và thời gian hoàn thành chúng.

Len sợi cashmere.
Áo len cashmere mềm mịn, ít gây ngứa và giữ ấm tốt, là trang phục mơ ước của nhiều người. Ảnh: gorsuch.

Lông dê cashmere được thu hoạch vào mùa Xuân, mỗi năm một lần, khi dê bắt đầu lột lông. Lông dùng để làm len cashmere phải là lớp lông trong, hay còn gọi là lông dưới, là lớp lông mềm mai và giữ ấm rất tốt. Một con dê cashmere chỉ cung cấp được khoảng 150-200 gram lông dưới mỗi năm. Vậy nên cần 4-6 con dê để lấy đủ lượng len dùng cho một chiếc áo len, và một con dê dể có đủ lượng len dùng cho một chiếc khăn quàng.

Simon Nessman và Andreea Diaconu tạo dáng cùng một chú dê trong chiến dịch Cradle to Cradle Certified® Gold Cashmere Sweater của thương hiệu Ralph Lauren. Ảnh: Alex Nataf-Taghizadeh / Ralph Lauren.

Cách làm sạch trang phục từ len cashmere

Có nhiều cách để giặt vải len cashmere. Tuy nhiên lời khuyên tốt nhất cho bạn là hãy nhẹ nhàng làm sạch trang phục đắt tiền này của mình bằng tay. Dẫu bạn chọn chế độ giặt nhẹ nhàng từ máy giặt thì cũng không an toàn và bảo vệ len cashmere tốt như khi dùng tay để giặt.

Ảnh: cdn.

Khi giặt, bạn nên dùng nước lạnh hoặc nước ấm tầm 40 độ (còn gọi là lukewarm water). Nước lạnh ngăn ngừa co rút, duy trì độ bền sợi len và giảm tình trạng xù lông. Len cashmere mang đặc tính nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ. Nước nóng khiến sợi len co lại, mất đi hình dáng tự nhiên, khiến quần áo co rút và biến dạng.

Xem thêm: Những loại quần áo không nên giặt bằng nước lạnh

Cách giặt đồ len cashmere bằng tay

Đổ nước sạch vào chậu, pha vào đó một lượng xà phòng vừa đủ. Nhúng vải cashmere vào chậu và nhẹ nhàng đảo đều. Xả một chậu nước mới, tiếp tục nhúng vải cashmere vào và nhẹ nhàng khuấy chúng trong nước sạch để rửa trôi lượng xà phòng còn lại. Lặp lại các bước này cho đến khi không còn xà phòng.

Ảnh: steamerystockholm.

Không vắt và máng trang phục vải len cashmere lên mắc áo vì như vậy sẽ làm hỏng sợi len. Thay vào đó, bạn hãy cuộn vải cashmere trong một tấm khăn trắng sạch và ấn nhẹ để thấm hết nước bên trong.

Xem thêm: 5 bước lên lai quần jeans đẹp và siêu dễ làm tại nhà

Cách phơi trang phục từ len cashmere

Kỹ thuật phơi sản phẩm này cũng quan trọng như kỹ thuật giặt. Phơi phẳng và để khô tự nhiên là phương pháp tốt nhất bảo quản độ bền đẹp của len cashmere. Bạn có thể lót một lớp khăn khô sạch bên dưới và trải sản phẩm lên trên, hoặc đặt sản phẩm trên giá phơi bằng lưới. Nên phơi ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp hoặc bất kỳ nguồn nhiệt nào nhằm tránh phai màu và co rút sợi. Nếu bạn trải vải len trên khăn để thấm khô, hãy lật mặt sau của sản phẩm sau vài giờ.

Xem thêm: Cách xử lý vết mốc trên quần áo cực đơn giản tại nhà, trả lại "phong độ" cho outfit của bạn

Cách lưu trữ vải len cashmere trong tủ quần áo

Bạn nên gấp gọn và cất vào túi vải thoáng khí hoặc ngăn tủ thay vì phơi trên móc để tránh làm biến dạng trang phục. Có thể thêm vào đó những túi nhỏ chứa thuốc chống côn trùng để bảo quản quần áo được tốt hơn.

Ảnh: hayden-hill.