Thuật ngữ "Ready-to-wear" rất quen thuộc với những ai đam mê thời trang như bạn. Nhưng đã bao giờ bạn dành thời gian để tìm hiểu sâu hơn về khái niệm này?

Ready-to-Wear là gì?

Ready-to-Wear, hay còn gọi là Prêt-à-porter trong tiếng Pháp, là thuật ngữ thời trang dùng để chỉ những sản phẩm quần áo được sản xuất hàng loạt theo kích cỡ tiêu chuẩn và bán ra dưới dạng thành phẩm cuối cùng. Chính vì thế, nó hoàn toàn khác so với các dạng quần áo được may đo theo yêu cầu như Bespoke hay Haute Couture.

BST Ready-to-Wear của Christian Dior Thu Đông 2024 gói gọn trong 3 tính từ - Tiện Dụng, Chất Lượng và Đẳng Cấp.
BST Ready-to-Wear của Christian Dior Thu Đông 2024 gói gọn trong 3 tính từ - Tiện Dụng, Chất Lượng và Đẳng Cấp. Ảnh: Umberto Fratini / Gorunway.com.

Xem thêm: Haute Couture: Khi thời trang trở thành nghệ thuật

Nguồn gốc của Ready-to-Wear

Mặc dù ngày nay Ready-to-Wear thường được coi là loại hình quần áo phổ biến nhất và là cầu nối giữa thời trang cao cấp và đại chúng, nhưng trong quá khứ, bạn có biết Bespoke và Haute Couture vẫn chiếm ưu thế hơn. Để hiểu rõ hơn về loại hình thời trang này, hãy cùng quay về những thế kỷ trước.

Vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, việc tự may quần áo tại nhà khá phổ biến. Duy chỉ những gia đình khá giả mới đủ khả năng may đo trang phục tại các cửa tiệm. Tuy nhiên, vào năm 1812, chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu sản xuất hàng loạt đồng phục quân đội—đây được coi là trang phục Ready-to-Wear đầu tiên trong lịch sử. Ra đời và phát triển trong thời chiến, Ready-to-Wear dần trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn trong lĩnh vực thời trang nam.

Dòng đồ Ready-to-Wear của Chanel vào những năm đầu thế kỷ 20.
Dòng đồ Ready-to-Wear của Chanel vào những năm đầu thế kỷ 20. Ảnh: Global Founders.

Tuy nhiên, đối với thời trang nữ, việc sản xuất đại trà không dễ  dàng như vậy. Thời trang nữ thường phức tạp và yêu cầu sự vừa vặn, khiến việc sản xuất hàng loạt trở nên khó khăn. Nhưng dưới ảnh hưởng của truyền thông và suy thoái kinh tế, vào những năm 1900, Ready-to-Wear đã bắt đầu thu hút sự chú ý của đại chúng với độ ứng dụng cao nhưng vẫn đảm bảo tính thời trang nhất định.

Yves Saint Laurent trong studio thiết kế của ông vào năm 1965.
Yves Saint Laurent trong studio thiết kế của ông vào năm 1965. Ảnh: Reg Lancaster/Express/Getty Images.

Đến cuối những năm 1960, ranh giới giữa Ready-to-Wear và Haute Couture đã dần thu hẹp khi vào năm 1966, Yves Saint Laurent mở cửa hàng đầu tiên bán dòng thời trang Ready-to-Wear, mở đường cho các nhà thiết kế khác sản xuất dòng quần áo này bên cạnh dòng Haute Couture truyền thống. Từ đó, Ready-to-Wear không chỉ trở thành một phần không thể thiếu của ngành thời trang mà còn mang lại sự tiện lợi và phong cách cho người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Xem thêm: High Fashion: Thế giới thời trang xa xỉ và đẳng cấp

So sánh Ready-to-Wear và Haute Couture

Quần áo Ready-to-Wear và Haute Couture là hai phương thức tiếp cận khác nhau trong ngành công nghiệp thời trang. Ready-to-Wear là quần áo được sản xuất theo kích cỡ tiêu chuẩn, thường được sản xuất hàng loạt và có thể mua và mặc ngay mà không cần chỉnh sửa. 

BST Ready-to-Wear mùa Thu 2024 của nhà Tommy Hilfiger.
BST Ready-to-Wear mùa Thu 2024 của nhà Tommy Hilfiger. Ảnh: Umberto Fratini / Gorunway.com
BST Ready-to-Wear mùa Xuân 2024 của Polo Ralph Lauren. Ảnh: Polo Ralph Lauren.

Haute Couture, ngược lại, chính là những items cao cấp bậc nhất được may đo riêng và tùy chỉnh hoàn toàn cho người mặc bởi những nhà mốt được công nhận bởi Liên đoàn Haute Couture & Fashion.

BST Haute Couture mùa Thu 2024-2025 của Christian Dior.
BST Haute Couture mùa Thu 2024-2025 của Christian Dior. Ảnh: Christian Dior.

Hầu hết các nhãn hiệu thời trang lớn (như Gucci, Chanel, Yves Saint Laurent, hay Dior) đều có cả dòng sản phẩm Prêt-à-porter hoặc Ready-to-Wear và Haute Couture. Hai dòng thời trang này có những điểm khác biệt chính sau:

1. Sản xuất

Quần áo ready-to-wear được sản xuất tại các nhà máy với quy trình tự động hóa, trong khi Haute Couture được thực hiện thủ công trong toàn bộ quá trình tạo nên sản phẩm, bao gồm thiết kế, may và chỉnh sửa.

Nhà máy sản xuất Ready-to-Wear so sánh với Atelier của nhà mốt Chanel.
Nhà máy sản xuất Ready-to-Wear so sánh với Atelier của nhà mốt Chanel. Ảnh: Map Business, Tomas Van Houtryve.

2. Kích cỡ

Quần áo Ready-to-Wear có các kích cỡ tiêu chuẩn (ví dụ: từ XXS đến XXL) để tối ưu hóa quy trình sản xuất. Trong khi đó, Haute Couture lại hoàn toàn ngược lại khi được may đo chính xác theo số đo của người mặc, đảm bảo sự vừa vặn tuyệt đối.

Sự khác biệt về kích cỡ items trong 2 dòng thời trang. Ảnh: Christian Dior.

3. Chi phí

Quần áo Ready-to-Wear có chi phí sản xuất thấp và thường được bán với hợp lý và gần gũi. So với chúng, Haute couture lại rất đắt đỏ về cả công sức, thời gian và tiền bạc và hầu như không có giới hạn, giá cả dựa trên sự độc đáo và các chất liệu, công sức cao cấp được sử dụng để tạo ra những sản phẩm độc nhất vô nhị.

Một số thương hiệu Ready-to-Wear phổ biến hiện nay

Hiện nay, có rất nhiều thương hiệu Ready-to-Wear nổi tiếng trên toàn cầu, mỗi thương hiệu đều có phong cách và đối tượng khách hàng riêng. Dưới đây là một số thương hiệu tiêu biểu:

Calvin Klein: Thương hiệu thời trang đến từ Mỹ này nổi tiếng với thiết kế tối giản, hiện đại và tinh tế. Calvin Klein cung cấp nhiều sản phẩm từ quần áo, đồ lót đến phụ kiện, luôn mang đến sự phóng khoáng và thoải mái cho người mặc.

BST Ready-to-Wear 2016 của Calvin Klein mang lại nét phóng khoáng nhưng vẫn tinh tế và có tính ứng dụng cao. Ảnh: Gianni Pucci / Indigitalimages.com.

Cotton:On: là thương hiệu thời trang Úc, được yêu thích nhờ sự đa dạng trong thiết kế và giá cả hợp lý. Cotton:On cung cấp nhiều dòng sản phẩm từ quần áo, phụ kiện đến giày dép theo phong cách năng động và hiện đại, với các sản phẩm dễ dàng mix-and-match để tạo ra các bản phối đa dạng cho cả nam và nữ.

Những trang phục Ready-to-Wear của Cotton:On cùng thiết kế năng động và trẻ trung sẽ khiến cho ngày của bạn thêm tươi mới. Ảnh: Facebook@Cotton:On.

Mango: Thương hiệu đến từ Tây Ban Nha này luôn chú trọng vào sự thanh lịch và tinh tế trong từng thiết kế. Mango là lựa chọn lý tưởng cho những ai yêu thích phong cách sang trọng nhưng vẫn trẻ trung và hiện đại.

Thời trang Ready-to-Wear của MANGO sang trọng và tinh tế nhưng vẫn có nét trẻ trung. Ảnh: MANGO.

Polo Ralph Lauren: trực thuộc Ralph Lauren, thương hiệu thời trang Mỹ với phong cách cổ điển và sang trọng bậc nhất. Polo Ralph Lauren nổi bật với các thiết kế cao cấp, chất lượng và phong cách đậm chất châu Âu, hướng đến đối tượng khách hàng trung và cao cấp.

BST Ready-to-Wear của Polo Ralph Laurent Thu Đông 2023 mang lại cảm giác sang trọng một cách tinh tế, chuẩn "Quiet Luxury". Ảnh: Polo Ralph Lauren.

Nike: Không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm thể thao, Nike cũng cung cấp nhiều trang phục ready-to-Wear mang phong cách năng động và hiện đại. Những thiết kế của Nike thường hướng đến sự thoải mái và hiệu suất cao.

Các sản phẩm Ready-to-Wear của Nike năng động và tiện lợi, đúng như hình ảnh của thương hiệu. Ảnh: Kith.

--------

Ready-to-wear đã trở thành một phần không thể thiếu của ngành thời trang hiện đại, mang lại sự tiện lợi và phong cách cho người tiêu dùng trên toàn thế giới. Với sự đa dạng trong thiết kế, kích cỡ tiêu chuẩn và giá cả phải chăng, ready-to-wear giúp cho thời trang trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Dù không thể so sánh với sự tinh tế và độc đáo của Haute Couture, Ready-to-Wear vẫn giữ vững vị trí của mình nhờ vào tính ứng dụng và khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thị trường.